Đời sống văn hóa tâm linh Vũ Chính

Nhân dân Vũ Chính có đời sống văn hóa cộng đồng, tôn giáo tín ngưỡng mang đậm nét cư dân nông nghiệp đồng bằng Bắc bộ.

         Yếu tố dòng họ đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng dân cư Vũ Chính. Tôn ty, trật tự dòng họ được duy trì qua đời này đến đời khác. Hầu hết các dòng họ trong xã từ lâu đời đã xây dựng Từ đường làm nơi thờ tự tổ tiên và giáo dục con cháu về truyền thống dòng họ, lễ nghĩa, hiếu thuận và trách nhiệm đối với xã hội. Trong lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, từ đường của nhiều dòng họ còn là nơi hội họp nhân dân, nuôi dấu cán bộ, nơi tập kết bộ đội, dân quân ghi dấu những chiến công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó, tiêu biểu từ đường Chi 3 họ Phan (thôn Nam Hùng) và từ đường họ Tống (thôn Lạc Chính), từ đường họ Nguyễn Xuân (thôn Tống Văn), từ đường họ Lại (thôn Nam Hùng)... Trong đó, Từ đường họ Tống được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 01/QĐUB, ngày  31/8/1995; Từ đường Chi 3 họ Phan được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 302/QĐUB, ngày 04/02/2013.

Khác với nhiều địa phương, mối quan hệ giữa các dòng họ trên địa bàn xã tương đối hòa thuận. Trong thời kỳ khai hoang, mở làng, các dòng họ tích cực giúp nhau ổn định cuộc sống, cùng nhau xây dựng quê hương trù phú, tươi đẹp. Minh chứng về mối quan hệ tốt đẹp giữa các dòng họ được gia phả các dòng họ ghi chép cụ thể như họ Bùi (ở Lạc Đạo) ghi nhớ tôn vinh tình cảm với họ Vũ (thôn Vũ Trường), gia phả họ Phạm (thôn Trấn Tây) ghi chép về việc cụ tổ họ Phạm và họ Phan kết nghĩa huynh đệ, từ đường họ Phạm thôn Trấn Tây ghi lại đôi câu đối do họ Phan tặng bằng chữ Hán: “Tống Vũ tương tại tích Lê triều lai tích tự/ Dữ Phan công hữu vô tri Tống ấp lập điền trù” (dịch nghĩa: “Hai họ cùng về đất Tống Vũ này vào thời Lê. Từ tay không hai họ xây dựng đất này ngày càng thêm trù phú”). “Nghinh Xuân quán” (nay thuộc thôn Quyến) được họ Nguyễn Xuân xây dựng làm nơi nghỉ chân và đón khách phương xa của nhân dân làng Tống Văn. Các cụ già 80 trở lên khi ra đình hội họp ngồi cùng với những quan chức làng xã, không phân biệt xuất thân, dòng họ. Truyền thống tốt đẹp đó được các dòng họ giáo dục và truyền lại cho con cháu đến muôn đời sau.

Đại bộ phận nhân dân Vũ Chính có xu hướng tôn giáo hướng Phật. Từ thế kỷ XVII, XIII, nhân dân đã góp công, của xây nên ba ngôi chùa làng làm nơi tôn kính Phật. Chùa Tống Văn ban đầu được xây dựng tại khu đất cao phía đông làng gần đường 223 có tên chữ là “Thắng Quang Tự”, tên dân gian là chùa Chanh. Khi xã Tống Vũ tách thành Tống Vũ và Tống Văn, nhân dân Tống Văn di chuyển chùa về địa điểm mới ngày nay thuộc thôn Trung Hòa. Tống Vũ có chùa “Bảo Quang Tự” nay thuộc địa bàn thôn Tống Vũ, Lạc Chính có chùa “Trùng Quang Tự” (dân gian thường gọi là chùa Xam). Kiến trúc nhà chùa gồm Chính điện, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, Đức Thánh Trần, gác chuông....Cả 3 chùa đều có tăng ni tu hành ngày đêm đọc kinh niệm Phật cầu chúc cho dân làng được hưởng mưa thuận gió hoà, Quốc thái dân an. Các ngày tư rằm, mồng một Âm lịch, nhân dân lên chùa cầu phúc rất đông vui nhộn nhịp. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ba ngôi chùa là nơi nuôi giấu nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên, bộ đội, dân quân, du kích.... đồng thời là nơi lực lượng dân quân, du kích tập trung huấn luyện, đặt trạm viễn tiêu quan sát, báo động khi có địch càn quét. Chùa Tống Văn được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 381/QĐUB, ngày 09/10/2003; đình, chùa Tống Vũ  được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 94/QĐUB, ngày 01/10/2004; chùa Lạc Chính được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 62/QĐUB, ngày 12/10/2005.

Để có nơi cho chính quyền phong kiến hội họp và thờ thành hoàng làng, nhân dân Tống Văn, Tống Vũ, Lạc Chính đã xây dựng nên 3 ngôi đình làng với kiến trúc độc đáo. Đình làng Tống Vũ, Lạc Chính được xây dựng khoảng thế kỷ XIX và đình làng Tống Văn khoảng đầu thế kỷ XX. Đình Tống Văn là điển hình với thiết kế: năm gian ngoài hội họp; giữa đình là cung theo kiểu ống muống bày đồ tế khí sơn son thiếp vàng, súng gươm, giáo mộc, mác xã mâu, kiếm kích rất uy nghi. Hai dãy hành lang đông và tây để quan viên hàng xã ngồi trong những ngày hội họp và lễ hội, năm gian chính trải chiếu để dân đinh ngồi và dự lễ hội. Tống Vũ thờ thành hoàng là Nam Hải Đại Vương và Đông Hải Đại Vương[1]. Tống Văn thờ thất vị thành hoàng ở tứ giáp là giáp đông, giáp tây, giáp trung, giáp bắc và Đền Trần[2]. Tuy nhiên, theo năm tháng thăng trầm của lịch sử, đình làng Tống Văn và Lạc Chính không còn nữa. Đình Tống Vũ có thời gian bị phá hủy, đến nay được phục hồi lại trên nền đất cũ của đình.

Trước đây, vào các ngày mồng 6 tháng giêng hàng năm tại đình làng có hội rước thần, tế lễ cầu cho quốc thái dân an, rằm tháng tám mở hội Yến lão mừng thọ cho các cụ trên 60 tuổi. Ngoài ngày hội được tổ chức tại đình làng, tại Tống Văn trước đây vào tháng 6 còn có hội xuống đồng mang tên gọi “ông cấy bà té” nhằm nhắc nhở trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình phải cùng vợ lao động sản xuất. Bên cạnh các nghi lễ trang trọng trong lễ hội, nhân dân còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian: cờ người, đu bay, vật, đấu roi, bắt vịt, thi hát chèo.... Trò đấu roi còn phát triển thành những lò võ sau này huấn luyện cho thanh niên để bảo vệ quê hương. Hát chèo Tống Văn, Tống Vũ trước đây được xếp vào trong những địa phương mạnh của tỉnh, những năm 1940, gánh chèo ông bà Hoàng Tân ở thôn Tống Văn nổi tiếng khắp vùng Nam Thái Bình và có nhiều đóng góp tích cực đối với phong trào cách mạng địa phương. Tuy vậy, các lễ hội truyền thống đến nay đã mai một, chỉ còn hội xuân Tống Vũ được duy trì và tổ chức vào ngày mồng 2 tết Âm lịch. Các hội hát chèo hiện nay đang từng bước được phục hồi ở một số thôn, góp phần tích cực vào sự phát triển của phong trào văn hóa, văn nghệ địa phương.


[1] Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng (thế kỷ XIII), Nam Hải Đại vương Phạm Tử Nghi (thế kỷ XVI)

[2]. Thần tích, sắc phong Thành hoàng làng đến nay đã thất lạc, tài liệu ghi truyền thuyết về Thành hoàng làng Tống Văn xưa bằng chữ Hán do đồng chí Phan Chẩm khảo cứu và lưu trữ cho biết: Chưa rõ thời kỳ nào, có một Thái Bà sinh ra bào thai có 3 thai nhi vào ngày 6 tháng giêng. Sau đấy Thái Bà lại sinh một bào thai 4 thai nhi vào rằm tháng 8 âm lịch. Sau này khi làng nhớ công ơn đã xây miếu thờ anh cả ở miếu Đông, anh 2 ở miếu Tây anh thứ 3 ở đền Nam (miếu Trung) còn 2 vị ở miếu Bắc (cổng Bắc), 2 vị ở Đền Trần. Có thể do đặc thù cộng đồng cư dân Vũ Chính đến từ nhiều vùng quê đem theo tín ngưỡng từ các vùng quê khác.